Để tạo ra gạo hạt ngọc trời thiên vương và hạt ngọc trời tiên nữ thơm ngon nức tiếng trong và ngoài nước, gần 10 năm qua, tập đoàn Lộc Trời đã chọn vùng đất Thoại Sơn, tỉnh An Giang để triển khai trồng giống lúa Lộc Trời 28 - giống lúa đã tạo ra hai loại gạo thơm ngon đặc biệt này.
Gạo hạt ngọc trời thiên vương và Gạo hạt ngọc trời tiên nữ đã vinh dự nhận được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia năm 2020, khẳng định chất lượng vượt trội của hai thương hiệu gạo này.
Giống lúa Lộc Trời 28 ra đời vào cuối năm 2014, xuất phát từ khát vọng đưa giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt ngang tầm 1.000 USD/tấn như gạo Basmati nổi tiếng của Ấn Độ của Ban lãnh đạo Lộc Trời. Sau hơn 3 năm (10 vụ) nỗ lực chọn tạo giống của đội ngũ chuyên gia Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời (LTI) đã cho ra đời Lộc Trời 28 là sự hoà quyện của của hai giống lúa Lộc Trời 1 và Basmati. Trong đó, Lộc Trời 1 là giống lúa đầu tiên của Việt Nam đạt Top 3 cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2015 do The Rice Trader tổ chức.
Lộc trời 28 đã được "nâng cấp" để thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam cũng như thói quen canh tác của bà con nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên và dọc Nam sông Hậu. Với thời gian sinh trưởng ngắn có thể trồng được quanh năm, năng suất ổn định từ 5 - 7 tấn/ha, Lộc Trời 28 đang được trồng trên diện tích hàng ngàn hécta trong tỉnh An Giang và mở rộng vùng trồng sang các tỉnh ĐBSCL để tạo vùng nguyên liệu lớn để phục vụ cho thị trường.
Đến nay, Lộc Trời 28 đã trở thành niềm tự hào của đại gia đình Lộc Trời khi liên tục được vinh danh với các danh hiệu hàng đầu trong và ngoài nước, bao gồm giải Nhất phân khúc gạo thơm tại Hội nghị Thương mại Gạo Năm Châu lần thứ 5 (The 5th Continental Rice Traders Conference) năm 2018, vượt qua hàng loạt các đối thủ nặng ký đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và giải Nhất cuộc thi Gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 tại Vĩnh Long vào tháng 1/2022.
Các sản phẩm gạo của Tập đoàn Lộc Trời đều được nghiên cứu và sản xuất theo quy trình khép kín. Khi gieo sạ, sử dụng giống lúa xác nhận và thuần chủng. Trong khâu trồng trọt, được kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật canh tác, hàm lượng kim loại nặng, tồn dư chất hóa học trong đất, nước… Khi thu hoạch, thu mua, các nhà máy kiểm soát độ tạp lẫn, độ chín, độ ẩm và phân loại theo từng giống riêng biệt. Đối với khâu chế biến, bảo quản, được quản lý theo hệ thống HACCP của châu Âu, kiểm tra trên 600 chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không sử dụng chất lau bóng, tẩy trắng, tạo mùi.
Năm 2020, gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận và công bố sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Lộc Trời quảng bá, đưa các sản phẩm gạo mà doanh nghiệp đã dày công đầu tư tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong nước.
Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ được tạo ra bởi vùng đất phù sa ngọt cùng với quy trình khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn: giống được gieo trên vùng nguyên liệu đạt chuẩn SRP với các kỹ sư "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) theo sát toàn bộ quy trình canh tác; nguyên liệu lúa sạch được tiến hành chế biến trong hệ thống nhà máy hiện đại đạt chuẩn BRC - tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh (British Retailer Consortium) thiết lập vào năm 1998.
Hạt gạo có hình dạng thon dài mảnh mai, thoảng mùi thơm dứa (lá nếp) khi nấu. Hạt cơm khi ăn có vị đậm, ngọt hậu cùng độ mềm, dẻo, không dính, đặc biệt cơm vẫn mềm khi để nguội. Đây được xem là sự hòa quyện tinh tế giữa hương lài và hương lá dứa của hai giống lúa bố mẹ lừng danh là Lộc Trời 1 và Basmati. Trong đó, Lộc Trời 1 là giống lúa đầu tiên của Việt Nam đạt Top 3 cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2015 do The Rice Trader tổ chức.
Không những vậy, cả hai sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Vương và Hạt Ngọc Trời Tiên Nữ đều cam kết 3 KHÔNG: Không phát hiện thuốc bảo vệ thực vật – Không chất tạo mùi – Không chất tẩy trắng.
Theo đánh giá của Hội đồng OCOP cấp quốc gia, cả hai sản phẩm này đều được áp dụng công nghệ sản xuất và chế biến hiện đại, cần đẩy mạnh các giải pháp về tổ chức sản xuất và thúc đẩy thị trường, khẳng định vai trò dẫn dắt sản xuất tại địa phương.