Giữa núi rừng trùng điệp, trong mùa hoa cà-phê Sơn La trổ bông trắng muốt khắp sườn đồi, nhấp một ngụm cà-phê sánh nâu thơm lừng mùi hương hoa, thảo mộc, chúng tôi đắm chìm trong câu chuyện về cà-phê của người đàn ông đã dành cả tuổi trẻ của mình với cây cà-phê.
Ông Nguyễn Xuân Thao kể, Sơn La có hệ thống núi non trùng điệp, bao quanh các thung lũng, cao nguyên, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ nên rất thích hợp để trồng và phát triển cây cà-phê. Do đó, cách đây nhiều năm, người Pháp đã mang hạt cà-phê Arabica (cà-phê chè) - thứ cà-phê có giá trị cao hơn nhiều lần cà-phê Robusta (cà-phê vối) đến Sơn La để trồng như một cây giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây.
Cà-phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các triền đồi, với độ cao từ 900m đến 1.200m so với mực nước biển. Chính điều này tạo lên hương vị cà-phê Arabica đặc trưng của hoa quả, thảo mộc, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, cùng vị ngọt hậu kéo dài êm ái. Đến nay, với diện tích trên 20.000 ha, trong đó khoảng 19.300 ha cà-phê Arabica, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà-phê Arabica lớn của cả nước, sản lượng hằng năm đạt khoảng 350.000 tấn quả tươi.
Vì thế, ông Thao nhận ra rằng, nếu muốn nâng cao giá trị của cây cà-phê cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng thì cần phải chuyển đổi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm. Nghĩ là làm, ông đã bắt tay vào hành trình đi tìm con đường giúp nâng tầm giá trị cho cà-phê Sơn La, giúp người dân không còn bị phụ thuộc vào thương lái như trước.
Do đó, năm 2017, ông Nguyễn Xuân Thao đã liên kết 11 hộ nông dân trồng cà-phê của bản Hoàng Văn Thụ để thành lập HTX Cà-phê Bích Thao, quy mô 50ha cà-phê, ông được bầu lên làm Giám đốc của HTX. Ông Thao cùng với các thành viên đều là những người quen thuộc với cây cà-phê nên HTX của họ đã nhanh chóng trở thành 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà-phê Sơn La. Các sản phẩm của HTX đã được bảo hộ gồm cà-phê bột, cà-phê rang hạt và cà-phê nhân.
“Trước đây khi chưa thành lập HTX và chưa định hướng được việc phải sản xuất cà-phê chất lượng cao, chúng tôi cũng dễ rơi vào tình trạng được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa vì không kiểm soát được sản xuất và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của người dân. Khi HTX được thành lập, chúng tôi đã định hướng liên kết chặt chẽ với người dân để đảm bảo có được những hạt cà-phê thực sự chất lượng”, ông Nguyễn Xuân Thao bộc bạch.
>>> Cà phê bột nguyên chất Bích Thao
>>> Nguồn: Câu chuyện hạt cà-phê nhỏ bé trở thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia