Vân Từ, Phú Xuyên - điểm du lịch làng nghề hấp dẫn

Xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, có tất cả 10 thôn, trong đó có hai thôn chủ lực làm nghề may comple, veston đó là thôn Từ Thuận và thôn Chung. Hiện nay, xã có khoảng 1.500 hộ, có khoảng 70-80% làm nghề, đây chính là nguồn thu nhập chính của người dân Vân Từ.

Điều đặc biệt, may comple, veston vừa là công việc cho lao động chính vừa là việc làm thêm cho lao động phụ, từ người trưởng thành, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất comple, veston.

Nghề may comple được lan rộng trong toàn xã. Nhờ sự cần mẫn và khéo léo của mình, từ những nền tảng của cha ông để lại những người thợ làm nghề may truyền thống Vân Từ đã tự thiết kế và cắt ra những sản phẩm mang tính thời đại mà vẫn mang những nét truyền thống đã làm vừa lòng những vị khách khó tính nhất. Hàng comple Vân Từ đã xây dựng được thương hiệu, niềm tin được khách hàng trong nước và một số nước khác trên thế giới.

Những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân xã Vân Từ đã có những khởi sắc rõ nét.

Thực hiện Đề án 09 của huyện Phú Xuyên về phát triển làng nghề truyền thống, Vân Từ đã đẩy mạnh các hoạt động phát triển nghề may truyền thống, các cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ hoạt động có hiệu quả, cùng với đó chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả nhất định.

Với mục đích tôn vinh, tri ân các bậc, các vị tổ nghề nhằm giáo dục lòng yêu quê hương đất nước góp phần bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống đồng thời tại ra sản phẩm gắn với làng nghề, phố nghề, các điểm đến du lịch hấp dẫn của Phú Xuyên, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vinh danh làng nghề may Comple truyền thống xã Vân Từ từ ngày 25/10 đến 27/10/2019.

Tại sự kiện quan trọng này, huyện Phú Xuyên vinh dự nhận được UBND Thành phố Hà Nội công nhận Địa điểm du lịch Làng nghề may Vân Từ. Từ đây mở ra một hướng đi mới trong phát triển và khai thác du lịch tại địa bàn huyện.

Khách du lịch vừa có cơ hội tham quan và tìm hiểu các nghề truyền thống của huyện, vừa tìm được những sản phẩm may mặc thủ công tỉ mỉ và tinh xảo, phù hợp với nhu cầu của mình.

Nhờ có nghề, kết hợp với du lịch và kinh doanh sản phẩm của các làng nghề đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80% số lao động của huyện, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 66 triệu đồng/người/năm.